Để đồng bào dần thoát khỏi hủ tục lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức ngàn đời, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đang tiến hành xây dựng mô hình Hợp tác xã Đại đoàn kết hướng dẫn bà con nơi đây làm kinh tế. Với phương châm "bốn cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng trò chuyện), mô hình này đang góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương được đánh giá là... xã nghèo nhất nước!
![]() Đại úy Lý Chùy Tư, Tổ trưởng tổ công tác tại bản Hà Si - Hà Nê hướng dẫn bà con chăm sóc bò theo mô hình "Hợp tác xã Đại đoàn kết". Để đồng bào dần thoát khỏi hủ tục lạc hậu ăn sâu vào tiềm thức ngàn đời, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đang tiến hành xây dựng mô hình Hợp tác xã Đại đoàn kết hướng dẫn bà con nơi đây làm kinh tế. Với phương châm "bốn cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng trò chuyện), mô hình này đang góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương được đánh giá là... xã nghèo nhất nước! Hà Si - Hà Nê đã hết đói Ở bản Hà Si - Hà Nê, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, 100% số dân người La Hủ mới chấm dứt du canh, du cư từ năm 2008. Đồn Biên phòng ở đây hiện đang đầu tư xây dựng mô hình Hợp tác xã (HTX) Đại đoàn kết cùng bà con chăn nuôi bò, dê và đào ao thả cá. Mô hình này hỗ trợ, hướng dẫn bà con học hỏi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Các gia đình tham gia HTX đều được hưởng lợi, khi vật nuôi sinh sản thì đồng bào được chia con bé để nuôi và chăm sóc riêng. Năm 2010, HTX ở bản Hà Si đầu tư sáu con bò giống, đến nay phát triển thành đàn bò 14 con, 14 con dê giống ban đầu giờ đã có 32 con, ao cá thả cũng cho thu khoảng gần 10 triệu đồng mỗi năm. Mỗi dịp lễ, Tết của dân tộc La Hủ, tổ công tác của Đồn Biên phòng Pa Ủ tổ chức mổ dê, lợn và bắt cá, để bà con cùng với các chiến sĩ biên phòng vui bữa cơm đoàn kết. Ông Vàng Ly Xè, 56 tuổi, là trưởng bản từ khi dân bản Hà Si chuyển về ở tập trung từ năm 2008 đến nay cho biết: "Bà con dân bản mình ngày trước nằm mơ cũng không nghĩ sẽ có một cuộc sống sung túc thế này, mọi người vui lắm! Bây giờ người dân khác hơn trước rồi, không chặt phá rừng, biết chăn nuôi, làm lúa nước có cái ăn rồi đấy. Không còn cảnh đói triền miên như ngày xưa nữa". Bản Hà Si - Hà Nê hiện nay đã có sáu gia đình mua được xe máy, đường ô-tô mở đến tận bản, cho nên bà con đi lại thuận lợi hơn. Từ năm 2009 trở về trước, ở bản Hà Si, xã Pa Ủ các cháu đến tuổi đi học không được đến trường vì không có trường và cuộc sống khó khăn nên cũng chẳng có cháu nào được đi học. Hiện nay, bản có 12 em học từ lớp 1 đến lớp 3 và có năm cháu học mầm non. Bà con cũng được hưởng hỗ trợ của Nhà nước 100 nghìn đồng/ nhân khẩu/ năm. Ba tháng giáp hạt được hỗ trợ 15 kg gạo một người, cộng với tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng tái sinh, nhờ đó mà đời sống của người dân ở bản được nâng lên. Tại bản Mu Chi, bản Tân Biên và nhiều bản khác ở xã Pa Ủ, Đồn Biên phòng đầu tư mỗi ao cá 15 triệu đồng tiền cá giống để hộ gia đình kết hợp với các tổ công tác biên phòng nuôi. Hiện ở bản Nhú Ma, Ứ Ma, xã Pa Ủ có nhiều hộ học theo mô hình này tự đào ao, đầu tư tiền mua cá giống để nuôi. Năm 2011, bản Nhú Ma đào thêm năm ao, bản Ứ Ma đào hai ao. Mỗi năm các hộ đào ao thả cá vừa có cá ăn tại chỗ, vừa bán thu lời trung bình 5 triệu đồng/hộ. Đồn Biên phòng Pa Ủ còn hỗ trợ bà con bản Pa Ủ tiền và kỹ thuật hướng dẫn bà con phát triển kinh tế trang trại vườn, ao, chuồng (VAC), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá. Cả bản có 12 gia đình làm theo mô hình VAC và mỗi năm cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/ hộ. Hộ gia đình ông Thàng Phí Xè, Trưởng bản Pa Ủ là gương điển hình phát triển kinh tế giỏi ở xã. Từ năm 2010 trở về trước, gia đình ông Thàng Phí Xè không có tài sản nào có giá trị, ngoài vài sào ruộng, có khi bữa đói bữa nhịn. Được cán bộ Đồn Biên phòng hướng dẫn và hỗ trợ, ông Xè mạnh dạn vay mượn tiền đầu tư làm trang trại. Gia đình ông Xè bây giờ đã khai hoang được gần mười sào ruộng trồng lúa hai vụ, trang trại có ba con trâu, bốn con bò và một đàn lợn hơn mười con, gà hơn 20 con. Từ hiệu quả của cách làm kinh tế ở gia đình ông Xè, nhiều hộ trong bản cũng học tập đầu tư làm trang trại theo ông. Vững vàng thế trận lòng dân... Từ năm 2008 đến nay, Đồn Biên phòng Pa Ủ tổ chức đóng góp công, của xây dựng hơn 100 ngôi nhà Đại đoàn kết cho nhân dân ở đây. Hết giai đoạn một là việc "lo cho dân ấm", cán bộ, chiến sĩ nơi đây đang thực hiện giai đoạn hai là "phải làm cho dân no, không chỉ lo cho dân ấm". Vì thế, từ gần một năm nay, các tổ, nhóm Đồn Biên phòng thực hiện nhiệm vụ chia người xuống các bản, tổ chức mô hình Hợp tác xã Đại đoàn kết. Và mô hình làm kinh tế giúp nhân dân phát huy hiệu quả, đời sống bà con trong xã được cải thiện rõ rệt. Đồng bào cả xã ngày càng gắn bó hơn vào cơ sở Đảng, chính quyền và lời cán bộ nói, cán bộ làm. Đồn trưởng Biên phòng Pa Ủ, Trung tá Lò Văn Hiêng cho biết: "Năm 2014, Đồn Biên phòng Pa Ủ sẽ tập trung giúp đồng bào La Hủ ổn định công tác định canh, định cư, và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con tiếp tục trồng cây thảo quả cho thu nhập cao, mở rộng mô hình khai hoang trồng lúa nước hai vụ và chú trọng nhân rộng phát triển kinh tế trang trại; tham mưu với các cấp chính quyền củng cố cơ sở chính trị, bồi dưỡng đào tạo người La Hủ có trình độ làm cán bộ nguồn cấp xã; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Pa Ủ vào năm 2020". Luôn vững vàng thế trận lòng dân, Đồn Biên phòng Pa Ủ bốn năm liền đạt danh hiệu là đơn vị Quyết thắng của toàn binh chủng. Năm 2013, đơn vị nhận được Thư khen của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích đã đạt được trong nhiệm vụ giữ vững biên cương, cũng như ổn định thế trận lòng dân ở khu vực đặc biệt khó khăn của biên giới Tây Bắc. Bài và ảnh: VŨ LÂM |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét