Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

[Xã hội-VOV Online] - Việt Nam- Thổ Nhĩ Kỳ tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng

VOV.VN - Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực hiện thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao, từ ngày 18-20/3/2014, Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Omer Onhon đã thăm và tiến hành họp Tham vấn chính trị định kỳ lần thứ 3 với Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga.

Tại cuộc họp, hai bên đã thông báo cho nhau về tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của mỗi nước; bày tỏ hài lòng về sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua, nhất là về thương mại.

Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, lao động, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo…, đẩy nhanh đàm phán, ký kết các hiệp định tránh đánh thuế song trùng, hiệp định dịch vụ hàng không, hiệp định vận tải biển…, tiếp tục tham khảo và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.

Nhân dịp này, hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm./.

N.T/VOV online


[Xã hội-Lao Động] - Tăng cường đào tạo cán bộ công đoàn tư vấn pháp luật

Ngày 19.3, tại TPHCM, Tổng LĐLĐVN phối hợp Viện Friedrich Ebert (Đức) tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng quy định về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật công đoàn. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính chủ trì hội thảo với sự tham gia của hơn 50 cán bộ CĐ các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam.

Theo báo cáo, hiện có 15 trung tâm, 39 văn phòng, 21 tổ tư vấn pháp luật (TVPL) trực thuộc LĐLĐ cấp tỉnh và CĐ ngành TƯ, gần 600 tổ tư vấn pháp luật ở các cấp CĐ còn lại. Các đại biểu tham gia hội thảo đã chia sẻ các vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của TVPL CĐ. Trong đó, vấn đề nổi bật là các trung tâm TVPL là đơn vị sự nghiệp nên tiền lương của nhân viên của trung tâm TVPL thấp hơn vì không được hưởng 55% phụ cấp công chức và Đảng, đoàn thể. Trong khi đó, việc tư vấn hoàn toàn miễn phí nên không có nguồn thu; chính vì vậy đã không thu hút được nhân sự, người làm lâu năm “bị rơi rụng”. Các đại biểu cũng đã góp nhiều ý kiến về các mô hình tổ chức TVPL và trao đổi kinh nghiệm về TVPL. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính đánh giá: Hoạt động TVPL là công cụ quan trọng để tổ chức CĐ thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ; đặc biệt là trong các vụ tranh chấp lao động và giải quyết các vụ đình công. Dự kiến khi Quốc hội thông qua Luật Tố tụng lao động (năm 2015), nhu cầu về công tác TVPL càng cao. Tổng LĐLĐVN sẽ tăng cường đào tạo cán bộ CĐ có trình độ cử nhân luật và nghiệp vụ luật sư để đáp ứng yêu cầu bảo vệ NLĐ, nhất là hoạt động tranh tụng tại tòa trong các vụ án tranh chấp lao động.

[Xã hội-Tin tức Du lịch] - Việt - Nhật tăng cường hợp tác văn hóa, du lịch, thể thao

Trong Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản nhân dịp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước Nhật Bản, hai bên chia sẻ quan điểm về đẩy nhanh thảo luận hướng tới thiết lập một khuôn khổ đối thoại nhằm thúc đẩy hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân giữa hai nước.




Hai bên đánh giá cao việc tổ chức thành công những hoạt động kỷ niệm phong phú của Năm Hữu nghị Việt-Nhật 2013 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước; nhất trí thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước thông qua việc phối hợp tổ chức các hoạt động hai chiều nhằm quảng bá con người, văn hóa, nghệ thuật, trong đó có việc phối hợp tổ chức hằng năm Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản.

Thủ tướng Shinzo Abe giải thích chính sách mới của Nhật Bản về giao lưu văn hóa với châu Á được công bố tháng 12/2013 với tên gọi Dự án WA Hòa-Hoàn-Luân và đề xuất thúc đẩy giao lưu văn hóa thông qua việc hỗ trợ giảng dạy tiếng Nhật và vận dụng chính sách này. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Shinzo Abe.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác du lịch giữa hai nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh việc tháng 7/2013 Nhật Bản đã nới lỏng thủ tục thị thực và bày tỏ hy vọng phía Nhật Bản sẽ thực hiện các bước để đơn giản hóa thủ tục xin cấp thị thực cho người Việt Nam. Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ năm 2004. Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi về việc sớm thực hiện đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho người Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh thông báo của Thủ tướng Shinzo Abe về việc Nhật Bản tổ chức giải U-14 giao lưu bóng đá thanh thiếu niên ASEAN-Nhật Bản vào tháng 4/2014 và giải U-19 Đại hội Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) do Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 9/2014; đồng thời chúc mừng Tokyo, Nhật Bản được chọn đăng cai Thế vận hội mùa Hè và Thế vận hội dành cho người khuyết tật năm 2020 và bày tỏ sẵn sàng phối hợp với Nhật Bản để tổ chức thành công các sự kiện này.

Phía Nhật Bản khẳng định sẽ hỗ trợ thể thao Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Thể thao châu Á 2019 (ASIAD 2019). Thủ tướng Shinzo Abe giải thích về chương trình “Thể thao cho ngày mai” của Nhật Bản. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh những nỗ lực của Nhật Bản trong việc truyền bá giá trị của thể thao và phong trào Olympic trên thế giới./.

[Xã hội-Báo Phụ Nữ Online] - Phu nhân Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ thăm Hội LHPN TP.HCM

PNO - Chiều 19/3, Hội LHPN TP.HCM đã đón tiếp bà Gillian Carlisle – Phu nhân Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ khu vực Thái Bình Dương và ông Jonathan Hwang – Viên chức chính trị của Tổng Lãnh sự quán Mỹ.


Bà Đinh Thị Bạch Mai – Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM – tiếp đoàn.


Đại diện Hội LHPN TP.HCM đã trao đổi với các bạn Hoa Kỳ về nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ.

Bà Đinh Thị Bạch Mai – Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM đã giới thiệu với đoàn các mô hình hoạt động của Hội LHPN, các vấn đề về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, công tác phòng chống mua bán người của Hội LHPN thời gian qua đã được lãnh đạo Thành Hội PN quan tâm, triển khai rất nhiều biện pháp, việc làm nhằm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về được tái hòa nhập cộng đồng.

Hội đã chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục; phát huy hiệu quả hoạt động của CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc; thành lập Trung tâm hỗ trợ kết hôn; phát động phong trào tố giác tội phạm; thực hiện các chương trình an sinh xã hội; thành lập trung tâm hỗ trợ phụ nữ - trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Thay mặt đoàn, bà Gillian Carlisle đánh giá cao các hoạt động của Hội LHPN TP.HCM thời gian qua, nhất là trong vấn đề hỗ trợ phụ nữ - trẻ em bị buôn bán trở về. Bà cho biết sẽ luôn hỗ trợ Hội LHPN TP.HCM trong khả năng của mình, để góp phần làm giảm tình trạng buôn bán người xuống mức thấp nhất, đồng thời giúp công tác hỗ trợ đối tượng bị buôn bán trở về mà Hội LHPN TP.HCM đang thực hiện đạt hiệu quả cao hơn.

Uyên Phương


[Xã hội-QĐND] - Phần mộ liệt sĩ Đoàn Xuân Hải bị thất lạc ở Nghĩa trang Liệt sĩ O Tròn (Lào Cai)

QĐND - Bà Nguyễn Thị Mận, hiện ở tổ 8, Tân Xuân, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội vừa gửi thông tin đến Báo Quân đội nhân dân, đăng tin tìm lại phần mộ của bố chồng là liệt sĩ Đoàn Xuân Hải (sinh năm 1917, nguyên quán: Xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) bị thất lạc tại Nghĩa trang Liệt sĩ O Tròn, Duyên Hải, Lào Cai.

Quá trình xác minh thông tin, gia đình bà Nguyễn Thị Mận được bà Phạm Thị Khôi (sinh năm 1934), hiện ở tổ 21, phường Phố Mới, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai cho biết: "Đồng chí Đoàn Xuân Hải, nguyên là Trung đoàn phó Trung đoàn 165 thuộc Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312). Năm 1950, trong chiến dịch tiễu phỉ ở Phong Thổ, Lai Châu, đồng chí Đoàn Xuân Hải đã hy sinh; thi hài được an táng ban đầu tại khu nghĩa trang cây số 2, đường đi Sa Pa. 2 năm sau, bà Hoàng Thị Mẩy, vợ của đồng chí Đoàn Xuân Hải đã di chuyển phần mộ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ O Tròn, Duyên Hải, Lào Cai. Phần mộ được an táng ở vị trí số 3, hàng 2, ngang Tượng đài liệt sĩ. Cạnh mộ đồng chí Đoàn Xuân Hải, là phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thành (mộ số 2), quê Làng Mè, Phú Thọ".

Trao đổi thêm với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mận nói: “Trước đây, gia đình tôi vẫn thường lên hương khói cho cụ. Thế nhưng, đến năm 1994, gia đình lên viếng mộ mới biết, nghĩa trang vừa tu sửa lại nên phần mộ của cụ bị mất bia và thất lạc. Bao năm qua, gia đình đã gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai xác minh lại phần mộ nhưng vẫn chưa có kết quả”.

Từ thông tin trên, chúng tôi kính đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai sớm xác minh lại phần mộ đồng chí Đoàn Xuân Hải để trả lời thân nhân liệt sĩ.

Chuyên mục “Thông tin về mộ liệt sĩ”-Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Điện thoại: 069.696.514; 04.37478610. Thư điện tử: chinhtriqdnd@yahoo.com.vn.


[Xã hội-QĐND] - Cách làm mới, động lực mới

QĐND - Dẫu thời gian triển khai chưa nhiều, nhưng Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 316 (Quân khu 2) đã có những cách làm rất sáng tạo và thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ trong thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” (CVĐ).

Sáng tạo trong tuyên truyền

Chúng tôi đến Trung đoàn 98 ngay sau lễ ra quân huấn luyện năm 2014. Giờ giải lao trên bãi tập của Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, chiến sĩ mới “vây kín” Trung úy Nguyễn Văn Lực, Chính trị viên phó đại đội háo hức nghe anh kể chuyện về diễn biến những trận đánh mà đơn vị tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất là nhiệm vụ bố trí và điểm hỏa quả bộc phá 1000kg trên đồi A1 làm hiệu lệnh cho cuộc tổng công kích trên toàn mặt trận tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của thực dân Pháp xâm lược. Hoặc những bài học về tổ chức sử dụng lực lượng, thực hành tác chiến của Sư đoàn trong Chiến dịch Tây Nguyên. Những câu chuyện trên minh chứng cho khả năng tác chiến độc lập, phân tán, khả năng đánh vận động quy mô cấp chiến dịch ở địa hình rừng núi và thành phố của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn.

Nghe chuyện, Binh nhì Hoàng Văn Hải, Tiểu đội 2, Trung đội 1, Đại đội 5 (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98), tâm sự: “Tôi rất tự hào khi biết rằng, sư đoàn còn là một trong 6 đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta, có rất nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sư đoàn 316 cũng là đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế sớm nhất, thời gian dài nhất tại nước bạn Lào. Tôi thấy vinh dự, tự hào khi được học tập, rèn luyện tại đơn vị”.


Phân đội 12,7mm của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 huấn luyện hiệp đồng chiến đấu.

Theo Thượng tá Đỗ Xuân Tụng, Chính ủy Sư đoàn 316 thì kể chuyện truyền thống trên bãi tập trong giờ nghỉ như ở Đại đội 5 chỉ là một nội dung tuyên truyền rất cụ thể trong triển khai thực hiện CVĐ. Anh Tụng khẳng định: “Chủ đề CVĐ thể hiện rất rõ ba nội dung lớn, nhưng không tách biệt mà là một chỉnh thế thống nhất, bổ trợ lẫn nhau; trong đó “phát huy truyền thống” chi phối, tác động toàn bộ quá trình thực hiện, nhằm khơi dậy khả năng sáng tạo, phát huy tinh thần cống hiến, để mỗi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu “xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Theo đó, để mọi quân nhân phát huy được truyền thống, trước tiên phải giúp họ hiểu được truyền thống của đơn vị. Bởi vậy Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn xác định: Giáo dục truyền thống là nội dung quan trọng nhất trong triển khai thực hiện CVĐ”.

Việc giáo dục truyền thống đã được sư đoàn triển khai và tổ chức thực hiện với nhiều nội dung như: Xây dựng đề cương truyền thống, làm phim lịch sử, xây dựng chiến lệ điện tử Sư đoàn 316 tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ; in, sao bài hát "Bài ca Sư đoàn 316 anh hùng" của nhạc sĩ An Thuyên thành đĩa karaoke, có nhạc lời, hình ảnh minh họa; xây dựng đồi cây tri ân… Đối với công tác giáo dục chính trị cho các đối tượng, sư đoàn xây dựng bộ đề cương bài giảng chính trị khoa học. Bộ đề cương này do một số cán bộ chính trị có trình độ, năng lực trực tiếp biên soạn. Thời gian tới, sư đoàn sẽ phối hợp với đơn vị kết nghĩa là Sư đoàn 2 (Quân đội nhân dân Lào) tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về chiến công của đơn vị trên đất bạn; tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu tham quan Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ…

Triển khai khoa học, bài bản

Thượng tá Đỗ Xuân Tụng cho biết: “CVĐ đã tạo cho cán bộ, chiến sĩ sư đoàn có cơ hội phát huy khối tài sản truyền thống vô giá, tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị".

Quả thực, ngoài thực hiện các nội dung của CVĐ đúng theo hướng dẫn của cấp trên, sư đoàn còn cụ thể hóa vào nhiệm vụ chính trị của đơn vị thông qua các nội dung của Phong trào Thi đua Quyết thắng, trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả mô hình “3 có, 3 không” (có tinh thần trách nhiệm tốt với đơn vị, gia đình, xã hội và chức trách nhiệm vụ được giao; có phương pháp tác phong làm việc khoa học, cụ thể, tỉ mỉ, gần gũi, chân thành, thương yêu cấp dưới, đồng chí đồng đội, sâu sát với đơn vị, là tấm gương sáng, lời nói đi đôi với việc làm, dĩ công vi thượng; có tinh thần "tự soi, tự sửa" thẳng thắn, chân thành, kiên quyết đấu tranh với biểu hiện sai trái trong đơn vị. Không có cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, quan liêu, xa rời thực tiễn; không tham gia các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định đơn vị; không để đơn vị có đào, bỏ ngũ, mất an toàn trong huấn luyện chiến đấu và mất an toàn giao thông).

Đặc biệt, nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy sư đoàn, cũng như cấp ủy các cấp đều xác định cụ thể chỉ tiêu, biện pháp; phân công một đồng chí cấp ủy viên trực tiếp theo dõi, kiểm tra giúp cấp ủy chỉ đạo CVĐ. Người chỉ huy các cấp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện CVĐ chi tiết. Cán bộ, đảng viên trong toàn sư đoàn đăng ký thực hiện các nội dung của CVĐ theo chức trách, nhiệm vụ được giao...

Từ những chủ trương, biện pháp khoa học, bài bản, sát với tình hình thực tiễn của đơn vị, thực hiện CVĐ ở Sư đoàn 316 bước đầu thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Ví dụ, ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, dù trong điều kiện nhận nhiệm vụ gấp, nhưng hơn 400 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 đều tự nguyện đăng ký sẵn sàng lên đường. Công tác chuẩn bị huấn luyện, triển khai các nhiệm vụ phục vụ lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng được sư đoàn triển khai với một khí thế quyết tâm rất lớn...

Bài và ảnh: MÈ THẮNG - TẤN TUÂN


[Xã hội-Tinnong.vn] - Trung Quốc ngang ngược tuyên bố lập hải đăng ở Trường Sa và Hoàng Sa

Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc vừa ngang ngược tuyên bố lập ngọn hải đăng ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Ngọn hải đăng do Trung Quốc dựng phi pháp ở Hoàng Sa - Ảnh: Gov.cn

Thông tin trên được đăng trên website của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc hôm nay 19.3.

Bộ này còn trắng trợn nhấn mạnh hai ngọn hải đăng sẽ góp phần “phục vụ cho việc phát triển kinh tế hải dương và bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

Văn Khoa