(Toquoc)- Quá tải trong quá trình đô thị hóa, nhưng không có nghĩa là xóa bỏ cây cầu di sản Long Biên. Cần bảo tồn và phát huy giá trị của nó. Hà Nội không thể thiếu cầu Long Biên.
Trong những ngày qua dư luận xã hội xôn xao về chủ trương di dời cầu Long Biên của Bộ GTVT để thay thế bằng một cây cầu mới, phục vụ nhu cầu phát triển đô thị Hà Nội. Chiều 25/2, tại Trường Đại học Phương Đông, Hà Nội đã diễn ra tọa đàm Bảo tồn cầu Long Biên trong phát triển đô thị, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị, bảo tồn di sản, xây dựng công trình giao thông… Bảo tồn nguyên vẹn Cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1898, hoàn thành năm 1902, là cây cầu gắn liền với lịch sử phát triển đô thị Hà Nội thời cận đại. Cầu Long Biên là nhân chứng lịch sử cho những đổi thay của Thủ đô trong một thế kỷ qua. Sự phát triển của đô thị hiện đại đã có những tác động, làm biến đổi những giá trị cũ. Cây cầu đã quá tải, xuống cấp trước một đô thị lớn, đông hơn rất nhiều lần đô thị của 100 năm trước. Vì vậy, công việc của các nhà quy hoạch là gìn giữ phát huy giá trị của cây cầu lịch sử, song cũng phải giải quyết những vấn đề đặt ra trong bối cảnh phát triển của đô thị.
Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc khẳng định: Cầu Long Biên là cây cầu di sản, di sản giữa đô thị. Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn tồn tại trong quá trình phát triển đô thị. Di sản đô thị nếu được quản lý, ứng xử phù hợp sẽ không cản trở sự phát triển đô thị mà sẽ góp phần vào sự phát triển đô thị, làm dày thêm quỹ di sản đô thị, tạo nên hồn cốt cho đô thị, mang đến niềm tự hào về bề dày văn hóa lịch sử cho cư dân đô thị ấy. PGS.TS, KTS Nguyễn Hồng Thục- Viện trưởng Viện Định cư (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) nhấn mạnh: “Cầu Long Biên là di sản văn hóa trong phát triển đô thị Hà Nội. Không nên vì phát triển mà bỏ đi một di sản văn hóa. Giao thông phải phù hợp với cấu trúc đặc thù của thành phố. Đường sắt quốc gia xuyên tâm thành phố không phải là ý tưởng sáng tạo ra những giá trị mới cho tương lai thành phố Hà Nội. Chúng ta đang bắt cầu Long Biên phải chất tải một đô thị lớn hơn 100 năm trước nhiều lần. Để cầu xuống cấp, nhếch nhác, quá tải là lỗi của chúng ta. Nhưng nhân danh sự phát triển mà loại bỏ cầu Long Biên - một di sản có tiềm năng trong phát triển kinh tế du lịch di sản sẽ là một sai lầm không sửa chữa được”. Bà Nguyễn Hồng Thục nhận xét: “Hơn 100 năm trước, người Pháp đã xây dựng một cây cầu có giá trị kiến trúc cả một trăm năm. Còn trong ba phương án của chúng ta, để làm một cây cầu mà không có tư tưởng sáng tạo nào, lại còn phá bỏ các giá trị cũ. Đây là cách làm hời hợt, thiếu tư duy”. PGS, KTS Trần Hùng cho rằng: “Cầu Long Biên là một trong những nhân chứng của thời kỳ chuyển đổi phát triển xây dựng thúc đẩy nền văn minh của loài người lên một bước. Ở những TP lớn khi phát triển mật độ giao thông cao thì đường sắt cắt qua đô thị không còn phù hợp (trừ khi đi trên cao, hoặc ngầm dưới đất). Trên thế giới thường người ta thiết kế đi vòng quanh đô thị, như Paris (Pháp). Hà Nội nên làm tuyến đường sắt mới bao quanh, gồm những ga cụt, tỏa ra các hướng chứ không nên làm đường sắt xuyên thành phố. Và trong trường hợp làm đường sắt mới trên cầu Long Biên là rất phi lý. Tốt nhất là bảo tồn nguyên vẹn”. KTS Trần Hùng khẳng định, ba phương án của Bộ GTVT thể hiện tầm nhìn hệ thống giao thông thiếu và thiếu tầm nhìn với tư duy nghệ thuật đô thị Hà Nội. Nhưng không thể là đống sắt vụn PGS.TS, KTS Tôn Đại chia sẻ: Thời điểm hoàn thành cầu Long Biên là cây cầu dài nhất thế giới và là cây cầu rất đẹp. Hình thức của cầu lên xuống, mềm mại là biểu đồ mô-men của một dầm liên tục. Chúng ta vinh dự được có một tác phẩm của Effel, kiến trúc sư vĩ đại của thế giới. Tôi cho rằng di sản ấy nên phục vụ du lịch, ngành công nghiệp không khói, dùng làm đường đi bộ, bán hàng, ẩm thực Hà Nội… Cây cầu này sẽ có giá trị hơn tất cả những cây cầu sau này. Làm sao để nhắc đến Hà Nội là nhắc đến cầu Long Biên. Hà Nội không thể thiếu cầu Long Biên”. Còn GS Hoàng Đạo Kính nhận định: “Cầu Long Biên trước tiên là kỳ công về xây dựng, kỳ tích kỹ thuật, kỳ quan của đô thị. Hà Nội là đô thị phát triển bề thấp, không có công trình nào ghi dấu ấn như cầu Long Biên, đứa con của công trình giao thông, khắc tạc lên bầu trời một hình ảnh mềm mại của đô thị. Cầu Long Biên là công của người Pháp nhưng đã được Việt hóa, Hà Nội hóa tuy xuống cấp, chắp vá, cũ kỹ nhưng vẫn rất thân thương”. Để phát huy giá trị của cây cầu, GS Hoàng Đạo Kính cho rằng: “Chuyển nó từ thiết chế giao thông sang thiết chế văn hóa lịch sử. Xây dựng đề án để bảo tồn và trùng tu. Tạo dựng nó thành con phố đi bộ, con phố du ngoạn. Người ta hẹn hò nhau ở đấy, kết hôn ở đấy, mua hàng ở đấy, thưởng thức âm thực Hà Nội ở đấy. Đừng vắt đến tận cùng của con đường sắt cũ kỹ”. Cùng quan điểm, GS.TS, KTS Nguyễn Việt Châu cho rằng: “Tại sao lại có 3 phương án đối xử với cây cầu như thế, phải khẳng định ngay các phương án đó đều không đạt. Họ không nghĩ đến nó như một di sản văn hóa. Giá trị rõ như thế rồi mà sao cây cầu vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa. Vì vậy, cần phải lập ngay hồ sơ để công nhận nó là di sản quốc gia, chỉ khi đó người ta mới ứng xử với nó như một di sản, theo Luật Di sản văn hóa”. Theo GS.TS, KTS Nguyễn Việt Châu, cần xem xét và đưa ra các phương án mới cho cầu Long Biên. Các phương án sắp tới phải có sự tham gia của các KTS, nhà văn hóa, bảo tồn di sản và kinh tế. Đặc biệt, các phương án sau này phải thỏa mãn 2 yếu tố: bảo tồn được rồi cũng phải tính đến hòa nhập vào cuộc sống đương đại, đóng góp vào nền kinh tế xã hội của Hà Nội chứ không để nó biến thành một đống sắt vụn. Dù chưa có kết luận cuối cùng, song thiết nghĩ, những tiếng nói của các nhà nghiên cứu, các KTS phần nào làm rõ hơn ý nguyện của nhân dân trước dự án di dời cầu Long Biên- cây cầu từ lâu đã là biểu tượng trong lòng người dân Thủ đô./. Hà An |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét