Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma vừa kết thúc chuyến thăm chóng vánh tới A-rập Xê-út, nhằm hàn gắn mối quan hệ rạn nứt với đồng minh chiến lược ở vùng Vịnh. Với cam kết tiếp tục bảo đảm an ninh cho A-rập Xê-út, ông chủ Nhà trắng đã phần nào xoa dịu đồng minh trong các vấn đề nhạy cảm về Xy-ri, I-ran từng làm quan hệ hai nước xấu đi nghiêm trọng hồi năm ngoái.
Đây là chuyến thăm thứ hai của Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma tới A-rập Xê-út trong năm năm trở lại đây. Không phải ngẫu nhiên người đứng đầu Nhà trắng thăm quốc gia vùng Vịnh này trong khi vừa thực hiện chuyến công du dài ngày tới châu Âu. Chuyến thăm được coi là sự khẳng định không thể thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, quốc gia đồng minh quan trọng của Mỹ ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, cuộc gặp lần này diễn ra vào thời điểm có thể coi là phức tạp nhất trong lịch sử 70 năm của mối quan hệ đặc biệt Mỹ - A-rập Xê-út, khi hai bên bị chia rẽ nghiêm trọng về cách tiếp cận nhiều vấn đề trong khu vực. Được thiết lập ngay khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và A-rập Xê-út dựa trên những hỗ trợ an ninh của Oa-sinh-tơn dành cho Ri-i-át để đổi lại các hợp đồng về dầu mỏ. Năm 2012, A-rập Xê-út vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ hai của Mỹ. Quốc gia vùng Vịnh này cũng là đối tác nhập khẩu vũ khí hàng đầu của Mỹ. Kể từ năm 2010, Chính phủ Mỹ đã thông qua các hợp đồng cung cấp vũ khí trị giá tới hơn 86 tỷ USD cho A-rập Xê-út, trong đó có hạm đội máy bay chiến đấu F-15, máy bay lên thẳng chiến đấu Apache, tên lửa Patriot cùng các vũ khí hiện đại khác. Quan hệ đồng minh lâu năm giữa Mỹ và A-rập Xê-út trở nên căng thẳng kể từ đầu năm 2011 do liên quan một loạt bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi. Ri-i-át không hài lòng về cách phản ứng "chậm trễ và không quyết đoán" của Oa-sinh-tơn đối với sự kiện "Mùa xuân A-rập" ở Trung Đông, Bắc Phi. Sự tức giận của A-rập Xê-út bị đẩy lên đỉnh điểm sau khi Tổng thống Ô-ba-ma quyết định ngừng tiến công quân sự Xy-ri vào phút chót, cũng như sự tan băng trong quan hệ Mỹ - I-ran hồi năm ngoái. Quốc gia đồng minh tỏ ra hoài nghi về cách xử lý của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng Xy-ri cũng như chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran. A-rập Xê-út luôn coi I-ran là "mối đe dọa" đối với an ninh quốc gia và lo ngại Tê-hê-ran mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Trong khi đó, Ri-i-át cũng không hài lòng trước sự thờ ơ của chính quyền Ô-ba-ma đối với chính quyền lâm thời hiện nay ở Ai Cập, cũng như thái độ không rõ ràng đối với lực lượng Anh em Hồi giáo, tổ chức bị Ri-i-át liệt vào danh sách khủng bố. Những nghi kị dồn ứ khiến A-rập Xê-út đặt câu hỏi liệu các lợi ích của Mỹ trong khu vực có trùng với lợi ích của Ri-i-át hay không! Rạn nứt quan hệ đồng minh chiến lược đã lý giải cho các động thái ngoại giao mới đây của A-rập Xê-út khi cường quốc dầu mỏ này có dấu hiệu thực hiện chính sách hướng đông với chuyến thăm cấp cao tới hàng loạt nước Pa-ki-xtan, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản của Hoàng thân Xan-man. Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã có những cuộc thảo luận không mấy dễ dàng với các nhà lãnh đạo A-rập Xê-út trong bối cảnh còn không ít nghi kỵ lẫn nhau. Tại cuộc gặp Quốc vương Áp-đun-la, Tổng thống Ô-ba-ma đã khẳng định lại cam kết duy trì bảo đảm an ninh của Mỹ đối với các quốc gia vùng Vịnh, trong đó có A-rập Xê-út, đồng thời củng cố mối quan hệ chiến lược và bền vững giữa hai nước. Để làm hài lòng đồng minh, Tổng thống Ô-ba-ma tuyên bố tiếp tục hỗ trợ lực lượng nổi dậy ôn hòa ở Xy-ri, đồng thời bác bỏ một "thỏa thuận hạt nhân tồi tệ" với I-ran. Người đứng đầu Nhà trắng khẳng định, lập trường của Oa-sinh-tơn trong nỗ lực theo đuổi giải pháp ngoại giao trong vấn đề hạt nhân của nước CH Hồi giáo. Xét về lợi ích, Mỹ và A-rập Xê-út vẫn cần định hình lại mối quan hệ chiến lược lâu dài không chỉ dựa trên lợi ích chung, mà còn cần niềm tin chung. Tuy nhiên, dù cam kết gì đi nữa, điều mà nước chủ nhà muốn thấy là các hành động của Oa-sinh-tơn nhằm khôi phục lại lòng tin chứ không đơn thuần là những lời hoa mỹ. BẢO TRÂN |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét