Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

[Xã hội-Lao Động] - Tăng cường đào tạo cán bộ công đoàn tư vấn pháp luật

Ngày 19.3, tại TPHCM, Tổng LĐLĐVN phối hợp Viện Friedrich Ebert (Đức) tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng quy định về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật công đoàn. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính chủ trì hội thảo với sự tham gia của hơn 50 cán bộ CĐ các tỉnh, thành miền Trung và miền Nam.

Theo báo cáo, hiện có 15 trung tâm, 39 văn phòng, 21 tổ tư vấn pháp luật (TVPL) trực thuộc LĐLĐ cấp tỉnh và CĐ ngành TƯ, gần 600 tổ tư vấn pháp luật ở các cấp CĐ còn lại. Các đại biểu tham gia hội thảo đã chia sẻ các vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của TVPL CĐ. Trong đó, vấn đề nổi bật là các trung tâm TVPL là đơn vị sự nghiệp nên tiền lương của nhân viên của trung tâm TVPL thấp hơn vì không được hưởng 55% phụ cấp công chức và Đảng, đoàn thể. Trong khi đó, việc tư vấn hoàn toàn miễn phí nên không có nguồn thu; chính vì vậy đã không thu hút được nhân sự, người làm lâu năm “bị rơi rụng”. Các đại biểu cũng đã góp nhiều ý kiến về các mô hình tổ chức TVPL và trao đổi kinh nghiệm về TVPL. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính đánh giá: Hoạt động TVPL là công cụ quan trọng để tổ chức CĐ thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ; đặc biệt là trong các vụ tranh chấp lao động và giải quyết các vụ đình công. Dự kiến khi Quốc hội thông qua Luật Tố tụng lao động (năm 2015), nhu cầu về công tác TVPL càng cao. Tổng LĐLĐVN sẽ tăng cường đào tạo cán bộ CĐ có trình độ cử nhân luật và nghiệp vụ luật sư để đáp ứng yêu cầu bảo vệ NLĐ, nhất là hoạt động tranh tụng tại tòa trong các vụ án tranh chấp lao động.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét